‘Have I lived a life with no regrets?’

Mình vừa trải qua một tuần khá nhiều biến động với chuyện gia đình, hôm nay tạm ổn rồi mình mới có thời gian viết vài dòng nhưng phải xin lỗi mọi người trước vì (lại là) một bài liên quan tới chuyện sinh tử - mấy bài gần đây có lẽ khiến mọi người đọc xong hơi cảm thấy bị chùng xuống 😔

Mẹ chồng mình bị Alzheimer’s (bệnh sa sút trí nhớ và nhận thức) giai đoạn cuối, bà ở viện dưỡng lão được vài năm rồi để có y tá bác sĩ theo dõi thường xuyên. Cuối tuần trước, bệnh viện gọi điện bảo sức khoẻ bà xuống rất nhanh, bà không nhai nuốt được nữa, cả nhà chuẩn bị tâm lí vì thời gian còn lại có thể chỉ từ 7-10 ngày. Mặc dù cả nhà mình đã biết là sẽ có ngày này nhưng không nghĩ là sẽ lại nhanh đến thế. Trong vòng vài ngày sau đó, gia đình, họ hàng, bạn bè thân thiết tới thăm bà, nghĩ rằng đây có lẽ sẽ là lần cuối nói lời tạm biệt với bà. Ngày nào cả nhà mình cũng vào viện. Có những hôm bà ở đó nhưng không ‘ở đó', lúc thì bà bảo ‘Mọi người đã chờ sẵn ở đây rồi', hay là ‘Xung quanh nhiều ánh sáng quá', rồi nghe bà nói những câu rời rạc về lúc bà còn trẻ, rồi về ngôi nhà lúc trước khi lấy chồng, về bố mẹ bà đã mất khi bà còn nhỏ, v..v, mình hiểu khi đó là cơ thể bà ở đây nhưng phần linh hồn/thể vía (astral body) bắt đầu chuẩn bị cho quá trình tách ra và tua ngược thời gian rồi. Ngồi bên cạnh người sắp mất mà một phần còn ở cõi trần, một phần bắt đầu về lại cõi linh hồn, cảm giác như thể bản thân mình cũng được tách ra làm đôi để tua thật nhanh qua hơn 70 năm cuộc đời với bà, và bỗng dưng những câu hỏi ùa tới trong đầu như là, ‘Mình đã sống một cuộc đời thật sự đáng sống và có ích, có ý nghĩa hay chưa?’; ‘Nếu chúng ta biết trước là mình sẽ chỉ có 70 năm ở đây và sắp tới lúc phải đi, liệu rằng mình có nghĩ mình đã bỏ phí bao nhiêu thời gian trong 70 năm đó hay không?’

Thế rồi tưởng như mỗi lần ngồi cạnh bà sẽ là lần cuối cùng thì vài ngày gần đây bà bắt đầu tiến triển khá hơn so với tuần trước. Bà lại ăn được, lại nói được những câu rành mạch hơn, trông có sức sống hơn. Bác sĩ, y tá lúc trước nói bà chỉ còn sống được 7-10 ngày thì bây giờ không thể nói chính xác được bà còn bao nhiêu thời gian. Nếu ai đã từng trải qua cảm giác bị chờ đợi trong sự mơ hồ, lơ lửng thì sẽ hiểu được cảm giác của nhà mình lúc này. Một mặt vừa mừng vì có thêm thời gian với bà, nhưng sự mừng đấy cũng không được trọn vẹn vì vẫn có đồng hồ đang đếm ngược thời gian, ngày đó rồi cũng sẽ tới thôi, dù không phải là tới trong vòng có 10 ngày. Và dù rằng có hiểu về tâm linh, hiểu rằng cái chết chỉ là sự chuyển giao nhưng điều này cũng không thay thế được cảm giác ngậm ngùi. Mà có khi việc hiểu về cái chết và linh hồn còn càng khiến cho mình cảm thấy 70 năm cuộc đời tuy rằng chỉ là một cái chớp mắt của linh hồn so với vạn vật và vũ trụ nhưng nó đủ dài để như là một sự thức tỉnh cho những người còn đang sống ở lại.

Nó cũng khiến mình nhận ra rằng quả thật những thứ chúng ta có thể kiểm soát hay nghĩ rằng mình có thể kiểm soát chỉ là một hạt cát rất nhỏ trong cả một sa mạc những thứ mình không thể kiểm soát. Chúng ta nghĩ chỉ khi nào mọi thứ nằm trong tầm kiểm soát thì mình mới có thể yên tâm relax và enjoy cuộc sống, nhưng có bao nhiêu thứ có thể xảy ra bất thình lình nằm ngoài tầm kiểm soát của mình? Thứ làm cho chúng ta khổ sở, vật vã chỉ là kì vọng biết trước hết mọi thứ: biết được bao giờ chuyện này chuyện kia sẽ xảy ra; bao giờ chúng ta có thể đạt được điều mình khát khao; biết được mình sẽ phải chờ đợi tới bao giờ, v..v. Những thứ chúng ta không quá đam mê hay khát khao thì còn dễ giữ thái độ trung tính, ‘có cũng được không có cũng được' nhưng nếu đó là thứ chúng ta dành trọn tâm huyết, tình cảm thì lẽ dĩ nhiên chúng ta sẽ lại càng vô thức đặt nhiều kì vọng vào nó. Từ mà ai cũng ghét phải nghe nhất chắc là từ ‘chờ đợi', nhưng trong hầu hết mọi trường hợp, chúng ta có thể làm được gì khác ngoài việc là phải ‘chờ đợi'? Ai cũng nghe nói đến từ ‘divine timing', ‘thời điểm tới thì mọi thứ tới', nhưng tâm lí thông thường cũng lại là muốn biết khi nào thì cái ‘divine timing' đó sẽ xảy ra!

Thứ duy nhất chúng ta có thể kiểm soát chỉ là bản thân mình, cách chúng ta hiện diện, đối diện và chịu trách nhiệm với mỗi lựa chọn tại mỗi thời điểm mà thôi. Đây cũng không phải là lời nói suông, sáo rỗng giáo điều mà thật sự là ở thời điểm ranh giới khi sắp phải rời bỏ cõi trần này, chúng ta sẽ buộc phải đối diện với câu hỏi là: ‘Mình đã sống như thế nào tại mỗi thời điểm trong cuộc đời vừa qua?’. Mọi người cũng hay hỏi spirit guides trong các buổi channelling về các mốc thời gian ‘chừng nào', ‘bao giờ', ‘khi nào', nhưng thời gian là thứ mang tính đàn hồi, mang cảm giác chủ quan, co giãn theo nhịp độ, thói quen và cả nơi chốn địa lí. Cả tuần vừa qua với bao nhiêu thứ xáo trộn, nhịp điệu thói quen mỗi ngày bị đảo lộn, một tuần mà mình cảm giác như cả tháng trời.

Tại thời điểm ranh giới chuyển giao đó, khi tua ngược lại dòng thời gian, chúng ta cũng sẽ thấy rất rõ có những thời điểm chúng ta nhận được những cú hích (impulses) từ spirit guides, từ higher-self, và chúng ta đã hay là không hành động theo những cú hích đó. Và có một câu nữa chúng ta cũng sẽ được hỏi khi bắt đầu hành trình quay trở về thế giới linh hồn, đó là: ‘Mình có (đã) sống một cuộc đời không có gì phải hối tiếc hay không?’ - ‘Have I lived a life with no regrets?’

.
Có bạn email hỏi mình nói rõ hơn tác dụng chữa lành của dẫn kênh/channelling, nó có giống như làm thôi miên không? Đây cũng là một trong những câu mà như ở trên mình viết, chúng ta cứ hay muốn là phải biết trước xem giếng sâu tới đâu thì mới dám nhảy. Chúng ta muốn lắng nghe trực giác, muốn nghe thấy spirits, nhưng lại ‘chơi quá an toàn' (play it safe) thì làm sao mình biết giới hạn của mình tới đâu? Có những thời điểm chúng ta phải cần ‘những bước nhảy của lòng tin’ (leap of faith) và để cho trái tim, spirits dẫn chúng ta tới những nơi, những người mình cần gặp. Nếu bạn mở rộng trái tim thì đôi khi có thể chỉ là một bài viết, một câu nói của một người xa lạ cũng có thể chữa lành hay thay đổi toàn bộ cuộc sống của mình về sau. Gặp spirits trong buổi channelling, cảm giác được nhìn thấy, được thấu hiểu, có thể với nhiều người chỉ nhiêu đó có thể coi là hiệu quả chữa lành rồi. Nhưng cao hơn thế, thứ mình nhìn thấy đó là bạn đã bắc lại cây cầu kết nối với chính bản thân mình để trước tiên bạn được xác nhận về những thứ mình đã nhận được bằng trực giác, kế đó là cảm nhận được sự hiện diện của những người luôn ở cạnh mình và niềm tin rằng chúng ta không bao giờ cô đơn trong cuộc sống này. Rồi sau đó mới là việc bắt đầu đi sâu hơn để tự đào xới, làm việc với các phần tối, tổn thương, rồi hiểu bài học, mục đích của mình trong cuộc sống lần này. Vì lẽ đó, mình cũng không bao giờ bảo là ‘channelling đem lại hiệu quả chữa lành cao' vì nó quá quá nông so với chiều sâu mà spirits sẽ đưa bạn chạm tới.

Chúng ta không thể cứ ‘chơi quá an toàn' trong suốt cuộc đời lần này, để rồi tới một lúc nhận ra chúng ta không thể kiểm soát bất cứ thứ gì cả. Chỉ có là mình có ‘align' (hoà hợp) với con đường mà linh hồn chúng ta đã hình dung trước hay là đi quá xa, quá chệch hướng với con đường đó hay không mà thôi (và chắc chắn bạn sẽ biết khi nào mình đi quá lệch trọng tâm!).

.
Nếu bạn chưa biết mình hay hiểu rõ về dẫn kênh/channelling thì có thể đọc thêm trong phần ‘Các câu hỏi thường gặp' trên website nhé, và đọc thêm các bài viết cũ mình để trong phần Blog hoặc chịu khó kéo Facebook vậy ☺️

www.phuongngo.co/faqs

Cám ơn bạn đã đọc bài!

Phương 💕

----
Bài viết đọc thêm:

✨ 'Dark night of the soul': https://www.facebook.com/PhuongNgo.ChannelingSpirits/posts/pfbid034E2HR5cdYEsFVsgbUG9135bqHhQMsvkmPMvGbJzAZK2CxqzvaDALjptkWnuT5W3Xl

✨ Trải nghiệm cận tử và ‘Life Review’ - ‘What have you done with your life to show me?’ - ‘Con đã làm gì với cuộc đời mình?’
https://www.facebook.com/PhuongNgo.ChannelingSpirits/posts/pfbid02sK9edPHZoHitKpotQupehYbzTR2CMNqoa5oKApRbGAk1guHsGAmnXtXZVEBeaMFLl

Previous
Previous

Mục lục các bài viết cũ

Next
Next

Con đường tiến hoá của linh hồn (phần 3): Ayahuasca, chất thức thần, các phương pháp thực hành tâm linh