Q&A về linh hồn và karma
✨ Q&A về linh hồn và karma
Một số câu hỏi các bạn gửi về trong buổi workshop vừa rồi khá hay và chắc cũng là thắc mắc chung của nhiều người, mình ghi lại ở đây nhé:
1) Tại sao linh hồn cứ phải quay lại thế giới này làm gì? Tới khi nào thì linh hồn không phải đầu thai lại nữa?
Mình hiểu cảm giác khi mà cuộc sống khổ quá, loay hoay, bế tắc, chán nản, bất lực, chúng ta chỉ muốn làm sao để nhanh nhanh giải thoát để không phải quay trở lại đây nữa. Đây như là một ‘lời hứa’ về một cõi Niết Bàn/Thiên Đàng/Nirvana, một đích đến cho linh hồn, kiểu như là học tốt, học giỏi đi thì sẽ được đi chơi! Nó khiến cho việc ở đây đôi khi cảm giác như một trách nhiệm và nghĩa vụ mình đang phải làm, để rồi tính xem linh hồn nào già hay trẻ, còn bao nhiêu kiếp sống nữa thì hoàn thành hết bài học trên Trái Đất.
Tuy nhiên, từ góc độ linh hồn, để nói tới việc linh hồn có quay lại đây nữa không thì phải nói tới hai thứ là:
‣ Karma
‣ Sự cần thiết
Ở mỗi kiếp sống, linh hồn giải quyết các karma cũ và mang thêm các karma mới. Có thể ví karma như bài tập về nhà: làm xong bài tập của mình rồi thì có thể làm hộ bài cho người khác, đó là trường hợp khi chúng ta không chỉ mang mỗi karma của mình mà còn gánh hộ cả karma của dòng họ hay karma của nhân loại, như trường hợp của các Masters (kinh điển là Master Jesus Christ).
Nói tới yếu tố thứ hai là sự cần thiết. Bây giờ khổ đau thì chúng ta nghĩ là mình sẽ không bao giờ muốn quay lại đây nữa, nhưng với linh hồn, nó không ưu tiên sự thoải mái sung sướng mà ưu tiên sự phát triển (soul's growth). Thật khó để hiểu trọn vẹn những gì linh hồn sẽ trải qua sau khi rời khỏi thân xác khi nhận thức chung vẫn còn đang bàn cãi với nhau rằng linh hồn có thật hay không!
Sau khi rời khỏi thể xác, đi qua cõi trung giới (Kamaloka, hay quá trình Life Review), linh hồn sẽ sang tới cõi tiếp theo mà trong tâm linh cổ điển gọi là ‘Devachan' (trong tôn giáo gọi đó là Thiên đàng/Nirvana/Niết Bàn). Khi đó mọi ý niệm về cuộc đời trước đã được kết tinh lại thành bản chất linh hồn (soul's essence) của mỗi người, linh hồn sẽ không nhớ là mình đã đau khổ thế nào mà chỉ nhớ rằng: mình đã học được những gì và đã tạo ra những nhân gì. Đây là bản chất của ‘karma' - nguyên nhân/hệ quả. Sau một thời gian, cảm giác thôi thúc quay trở lại bắt đầu được nhen nhóm lên: có thể do chính các karma chúng ta cần cân bằng lại, hoặc do nhân loại cần mình, như trường hợp của các Masters và những người khai sáng (initiates), hoặc cả hai.
Do đó, thật khó để bảo rằng linh hồn này linh hồn kia sẽ chỉ còn bao nhiêu kiếp sống nữa trên Trái Đất. Chúng ta không nên đếm ngược từ dưới lên như vậy mà nếu từ góc độ của sự thôi thúc và cần thiết, mình sẽ nhìn thấy đó là một sự tự nguyện đến từ tình thương và mong muốn của việc được ‘Serve', và cũng hiểu hơn tại sao những người Masters, các initiates, thiên thần, v..v. lại giúp đỡ chúng ta nhiều thế
2) Sự liên quan giữa yếu tố tâm linh tác động đến công việc như thế nào?
Khi nói đến ‘tâm linh' chúng ta chỉ hay nghĩ đến cúng bái, thần thánh, v..v. thôi, nên chúng ta sẽ hỏi là tại sao phải hiểu về con đường tiến hóa của linh hồn? Tại sao phải hiểu về nghiệp quả? Tại sao phải biết là sau khi chết linh hồn sẽ đi đâu? Có giúp gì cho những khó khăn mình đang phải vật lộn trong cuộc sống hàng ngày không?
Các bộ môn huyền học dựa vào các thông số tên gọi, ngày tháng năm sinh, giờ sinh, sẽ cho ra một bảng outline cuộc sống sơ bộ của chúng ta. Trong bảng outline đó sẽ được chia thành các khía cạnh lớn như: công danh sự nghiệp, tài chính tiền bạc, mối quan hệ gia đình, các khía cạnh lớn đó lại được chia thành các khía cạnh nhỏ hơn như trong tử vi thì có phu thê - tử tức - phụ mẫu, v..v., ví dụ vậy.
Tâm linh như những gì mình đang cố gắng truyền tải ở đây có thể nhìn như một cái ô bao trùm lên toàn bộ các khía cạnh lớn đó. Ví như người kiến trúc sư phác thảo bản vẽ thì phải tính đến các yếu tố từ ngoại cảnh như cấu trúc móng, hệ thống cơ sở hạ tầng, sinh thái hạ tầng xung quanh, v..v, cho tới nguồn lực để xem áng chừng có thể xây cao bao nhiêu, xây trong bao lâu. Với linh hồn cũng giống hệ thế! Zoom out để xem bản vẽ thì chúng ta sẽ bớt hoang mang khi bắt tay vào thực thi các tiểu tiết.
3) Có phải lúc nào cũng nên lắng nghe và làm theo tiếng nói bên trong của mình? Vì tiếng nói ấy hay có xu hướng thích những điều dễ dàng, dễ chịu và làm ta vui vẻ thoải mái, nên nếu liên tục nghe theo những điều ấy lâu dần sẽ khiến ta ở trong vùng an toàn, không dám thử thách bản thân và trở nên thích an nhàn, giậm chân tại chỗ?
Cả hai tiếng nói của trực giác và của ego đều là đến từ bên trong cả (và mình đang không nói đến các trường hợp bị vong nhập, hay năng lượng bám dính khiến mọi người nghe thấy như thể có giọng nói lạ trong đầu mình nha). Để bảo là ‘Hãy luôn nghe theo tiếng nói bên trong' thì đúng là hơi chung chung thật khi chúng ta chưa biết cách bóc tách từng giọng nói ra xem cái nào là ego, cái nào là từ linh hồn, mà nhiều khi cũng đan xen với nhau nữa.
Cách dễ nhất để nhìn ra sự đối lập đó là hãy thử làm một điều gì đó khiến chúng ta thấy vừa sợ nhưng vừa biết đó là điểm chặn, điểm hạn chế mà mình phải vượt qua. Điều này khác với sở thích cá nhân, một việc gì đó làm để cho vui, có cũng được không có cũng không sao. Chúng ta dễ có xu hướng bị kẹt lại trong vòng an toàn rồi nghĩ là do linh hồn mình muốn thế, nhưng thực tế là khi nhích ra khỏi vòng an toàn một xíu thôi thì mình sẽ nghe thấy rất rõ những nỗi sợ nào đang giữ mình lại. Khi chúng ta bóc tách ra từng giọng nói một thì sẽ nhận ra ngay tiếng nói nào là cái nào.
Cám ơn bạn đã đọc bài, hẹn mọi người trong câu hỏi kì sau nhé :)
Phương