Có khi nào chúng ta bị trượt bài học cuộc đời không?
Cách đây mấy tuần có bạn học viên cũ nhắn hỏi là ‘Làm sao để biết mình ‘pass' hay ‘fail' bài học hả chị?’. Lúc đó mình trả lời ngắn là bài học nào cũng có ý nghĩa cả nên không có khái niệm ‘đúng', ‘sai', ‘trượt', ‘đỗ', bởi vì dù có đi sai thì chuyện sai đó cũng vẫn mang đến một bài học nào đó khác.
Trong buổi channelling hôm qua, có một khái niệm giúp mình hiểu thêm một lớp sâu hơn của chuyện bài học cuộc đời đó là ‘higher purpose' và ‘lower purpose'. Có nhiều khái niệm khi nghe chúng ta sẽ cảm được luôn nghĩa của nó nhưng để dịch ra thành lời, giải thích một cách logic thì lại hơi ngắc ngứ. Ngôn từ cũng hạn chế ở chỗ này! ‘Higher purpose' và ‘lower purpose' là một ví dụ; hai là từ mà mình rất hay dùng là ‘soul essence', bản chất linh hồn. Chúng ta cứ coi như là mình chỉ cần cảm được khái niệm thôi nha chứ không cần tra từ điển!
Đúng là có một lộ trình, các gạch đầu dòng (‘life theme') cho mỗi cuộc sống nhưng ở mỗi ngã rẽ khi phải đứng trước các quyết định, nhìn từ phía linh hồn thì dù bạn có đi theo ngã rẽ nào, linh hồn cũng vẫn được hưởng lợi từ các trải nghiệm và kết quả cuối cùng cả.
Tuy vậy, sự khác nhau giữa các quyết định không nằm ở chỗ trượt hay đỗ mà nằm ở chỗ lựa chọn đó có phục vụ cho mục đích cao nhất, ‘higher purpose' của mình không hay là chỉ vì mong cầu, mục tiêu trước mắt (đôi khi còn để khỏa lấp cái tôi hay những shadows) - ‘lower purpose'. Nếu mọi người quen với luật hấp dẫn thì sẽ thấy người ta hay hướng dẫn là thay vì chỉ tập trung vào kết quả (ví dụ: có công việc/người yêu) mà phải tập trung vào giá trị sau khi đạt được kết quả đó (ví dụ: khi có công việc/người yêu thì mình sẽ cảm thấy thế nào? Hình dung cụ thể tâm trạng, cảm xúc như thể mình đã có được kết quả đó rồi chứ không phải là mong cầu kết quả đó tới). Đôi khi việc chăm chăm manifest một kết quả cũng chỉ để thoả mãn cái tôi hay khỏa lấp một phần tổn thương chưa được chữa lành, những lúc đó chúng ta sẽ thấy manifest mãi vẫn không có kết quả gì. Một phần đó là vì thứ đó không phải ‘sai' hay ‘đúng', mà vì nó không phục vụ hay phù hợp cho hành trình của mình.
Do đó, thay vì xem mỗi quyết định, lựa chọn là đúng hay sai, có lẽ nên thay bằng câu hỏi: ‘Con đường/quyết định/lựa chọn/mong cầu này có hướng mình đến mục đích cao nhất của linh hồn không?’ - ‘Does this serve my highest purpose?’.
‘Does this serve me?’ - câu hỏi nghe đơn giản nhưng thực ra đứng từ phía linh hồn, nó như là một lời tác ý, kiểu như phó thác cho higher-self dẫn chúng ta tới những lựa chọn phù hợp hơn. Nó cũng giúp chúng ta để mở cánh cửa, nhìn được các phương án khác mà không bị chăm chăm vào chọn một trong hai hay ba lựa chọn duy nhất mà ego có thể trông thấy với tầm nhìn giới hạn của mình..
Khái niệm đúng/sai, trượt/đỗ là những khái niệm rất trừu tượng. Nhiều khi một quyết định tưởng là sai nhưng lại dẫn chúng ta tới con đường đúng; hay có những câu chuyện kiểu như một người lên nhầm chuyến tàu, đi nhầm đường nhưng nhờ đi sai đường mà lại gặp người bạn đời.
Trước kia mình đã nghĩ là mục tiêu, sứ mệnh cuộc đời, ‘life purpose' là chỉ có một mà thôi. Tới giờ mình hiểu rằng ‘life purpose' không phải là thứ được áp sẵn lên chúng ta mà nó sẽ lớn lên cùng với sự phát triển của mình. Có những chủ đề chính đóng vai trò như chiếc bản lề, xương sống trong mỗi cuộc đời, nhưng ở mỗi chặng đường thì ‘life purpose' sẽ được điều chỉnh, thêm hoặc bớt một số thứ để phù hợp hơn (‘serve') với giai đoạn phía trước.
Một điều quan trọng nữa là chúng ta hãy cứ yên tâm rằng dù có đi xa tới đâu thì mình vẫn không thể nào vượt ra quá khỏi biên độ của chiếc bản lề, xương sống của mỗi cuộc đời được. Đó cũng là một lí do nữa cho việc không phải chúng ta cứ thích gì là manifest nó tới như thể cuộc đời là một cuốn catalogue! Higher-self sẽ luôn kéo chúng ta xê dịch về lại gần cái bản lề thông qua các thông điệp, dấu hiệu, hay thậm chí bằng cả những trục trặc to lẫn nhỏ, những lần thất bại, những cảm giác ‘có gì đó sai sai' hay là ‘Làm cái này đi đúng rồi đấy!!’.
Học cách nhận ra các tín hiệu sẽ giúp chúng ta đỡ mất thời gian hơn cho những thứ không phù hợp, chỉ có đi nhanh hay chậm, xuôi hay thuận chứ không có ai ở trên cao chấm điểm mình trượt hay đỗ bài thi cả :)
Phương ❤️
www.phuongngo.co