✨ Healing, ‘shadow work', karma và ‘life purpose' ✨

** Bài có một đoạn ngắn nhắc tới đề tài nhạy cảm (‘tự tử'), mọi người cân nhắc trước khi đọc **

✦✦✦

Cả bốn khái niệm này đều liên quan tới nhau: healing, shadow work sẽ dẫn chúng ta tới chỗ tìm ra được bản chất linh hồn của mình; hiểu được các bài học ở mỗi nút chặn sẽ giúp chúng ta cân bằng lại các karma; và càng về gần được với bản chất linh hồn thì chúng ta sẽ hiểu được sứ mệnh cuộc đời lần này là gì.

Vậy thì chữa lành chính xác là phải làm gì? ‘Shadow work' là như thế nào? Làm sao để biết chúng ta đã chữa lành được cho mình hay chưa? Làm sao để biết mình có sứ mệnh cuộc đời là gì?

Mọi người có bao giờ gặp những người với ‘các vấn đề muôn thuở’ không? Hết ngày này qua tháng khác, cứ mỗi khi gặp lại họ chúng ta vẫn thấy họ mang trong mình các vấn đề, những than thở hệt như lần cuối cùng nói chuyện. Cứ như thể họ chỉ cần xả van thôi, xong đâu lại vào đó, không có hành động, không có động lực nào để thay đổi những thứ họ đang than thở.

Trong healing gọi việc làm ‘shadow work' là ‘Do the work', như kiểu là ‘Làm bài tập về nhà'. Spirits trong các buổi dẫn kênh cũng hay bảo với mọi người là ‘Sau buổi hôm nay con có tương đối nhiều ‘bài tập về nhà' đó'. Và những buổi channelling kế tiếp, gặp lại spirits sẽ bớt đi cảm giác chào hỏi làm quen, bắc lại cây cầu kết nối như buổi đầu mà như có một sự hiểu ngầm rằng: ‘Con đã làm bài tập về nhà từ lần trước chưa?’ - ‘Have you done the work?’

‘Have you done the work?’ ở đây theo nghĩa rằng mình đã có thời gian ngồi lại, ngẫm lại, quan sát lại về tất cả những vòng lặp trồi lên chưa? Về tất cả những khó chịu khởi lên cả bên trong tâm mình lẫn phản chiếu trong môi trường bên ngoài. Nếu có thời gian ngồi ngẫm lại rồi thì nguyên nhân xuất phát từ đâu, kí ức hay động cơ nào kích hoạt nó?

✦✦✦

Thực ra khái niệm chữa lành đứa trẻ bên trong, tổn thương thời thơ ấu là điểm khởi đầu tốt trên hành trình healing, nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó thôi thì chúng ta sẽ bỏ sót khía cạnh quan trọng nữa đó là karma/nghiệp của linh hồn. Tất cả mọi tổn thương/vòng lặp/phần shadow, thậm chí cả tính cách/thói quen, xu hướng/đặc điểm, khiếm khuyết trên cơ thể, v..v - nếu chúng ta zoom out ra rộng hơn như một bức tranh lớn thì mình sẽ thấy điểm khởi đầu của nó không phải chỉ mỗi trong thời thơ ấu trong mỗi cuộc sống lần này mà có thể cái nhân, xuất phát điểm, từ một cuộc sống nào đó của linh hồn. Nhân tốt, nhân xấu đều tạo thành các karma chúng ta mang tiếp vào trong cuộc sống lần này. Khi linh hồn lên kế hoạch cho cuộc đời kế tiếp, chúng ta cũng tính cả đến chuyện sẽ cân bằng lại các karma, các nhân tốt xấu trong suốt chiều dài của cuộc đời lần này, cùng với các ‘life themes', hay là ‘life purpose' qua mỗi chặng để giúp mình chữa lành và đi qua ‘shadow work'.


Nói tới đây, chúng ta cũng sẽ hiểu thêm việc một người tự kết thúc cuộc sống của mình trước khi đến hạn phải đi cũng giống như karma lại chồng thêm karma - karma cũ mà đáng lẽ linh hồn có thể cân bằng lại được trong cuộc đời này thì giờ lại được mang tiếp tới với cuộc sống lần sau, cộng thêm karma trong cuộc đời vừa qua, và như thế sẽ chỉ làm cho những lần đầu thai kế tiếp trở nên nặng nề mỏi mệt hơn. Sau khi qua đời, linh hồn cũng vẫn phải sống nốt những năm mà đáng lẽ sẽ ở trong cõi trần cho tới khi đến số, nhưng mà là ở cõi trung giới. Chỗ này mọi người đọc thêm bài ‘Cuộc sống của linh hồn ở cõi trung giới (Kamaloka)’ mình dịch và ghim trên đầu trang sẽ rõ hơn.

Các tổn thương cũ, những ám ảnh, nỗi sợ, vòng lặp, v..v, vừa là những bài học, thử thách để chúng ta ‘Do the work'. Nhưng rồi sau khi đi qua được chúng, những thứ đó sẽ tạo nên động lực, mục tiêu sống, là nguyên nhân, lí do để chúng ta khao khát muốn giúp người khác cùng vượt qua những khó khăn mà mình đã đi qua. Sau tất cả, đây mới là mục tiêu lớn nhất của mọi linh hồn. Mình nói nhiều về từ này rồi, nghe thì rất sến nhưng đó là sự thật: đó là vì tình yêu, tình thương với nhân loại - ‘To serve humanity with love'.

Nếu chúng ta nghiêm túc và trung thực với bản thân mình, chúng ta sẽ có thể nhận ra phần nào các vòng lặp, những phần tối đó. Nhưng nhận ra mới chỉ là bước đầu tiên, bước tiếp theo là mình có dám đối diện với sự thật không? Có bao giờ chúng ta nghĩ tại sao mình lại không nhớ hết các tiền kiếp của mình không? Nó giống như là mình được cho vào một căn phòng bao quanh bốn bề là hàng trăm chiếc gương đang phản chiếu lại mọi centimet ngóc ngách con người mình cả trong lẫn ngoài. Chúng ta mang theo các karma tốt thì cũng có các karma xấu, để mà ngay lập tức phải đối diện hết với tất cả các nhân xấu đó thì chắc chắn chúng ta sẽ bị rơi xuống đáy tuyệt vọng mất! Đó cũng là tại sao việc healing được ví như là lột vỏ: cứ lột từ từ dần dần, chúng ta có thể chịu đau tới đâu thì spirits/higher-self sẽ giúp chúng ta đi sâu (‘lột vỏ') tới đấy. Quá trình chữa lành cũng vì thế không phải chỉ một cuộc đời là xong, và chắc chắn rằng không có thuốc gì vừa hiệu quả nhanh mà lại không phải chịu đau đớn!

Càng dũng cảm để ‘lột vỏ’, càng bền bỉ, trung thực với bản thân thì những nỗi đau, phần tối chúng ta đã đi qua sẽ biến thành tuệ giác (‘wisdom'), tuệ giác cộng với tình thương với nhân loại sẽ là động cơ và ngọn lửa để giữ chúng ta kiên trì và bền bỉ trong mục tiêu sứ mệnh cuộc đời. Và bạn sẽ thấy, ngọn lửa đó cũng sẽ dẫn bạn tới những người bạn cần gặp, và cũng sẽ mang tới những người cần tới ánh sáng của bạn nhất…

Phương 💜

www.phuongngo.co

Previous
Previous

🌻 Chữa lành/làm việc với phần tối (phần 2): một số câu hỏi ‘bài tập’

Next
Next

Có khi nào chúng ta bị trượt bài học cuộc đời không?