Chữa lành & làm việc với phần tối (phần 3): Vấn đề của mình hay của người khác?
✨ Chữa lành & làm việc với phần tối (phần 3): Vấn đề của mình hay của người khác? Tránh né hay đã chữa lành xong? Bảo vệ ranh giới của bản thân hay xù lông, làm quá vấn đề?
☽☾☽
Mình viết vài bài về chữa lành và làm việc với phần tối (shadow work) rồi, mọi người xem lại trong post Mục lục sẽ thấy, nhưng có một phần nữa của việc chữa lành mà khi càng đi sâu, đặc biệt là với những ai chọn đi trên con đường trở thành một người chữa lành cho người khác thì chắc chắn không sớm thì muộn chúng ta cũng sẽ vấp phải những câu hỏi này.
Khi làm healing cho người khác, đường truyền kết nối năng lượng giữa người gửi và người nhận sẽ được mở ra, và những ai nhạy cảm có thể cảm thấy những cảm xúc của người kia, thậm chí cả một vài những tổn thương của họ. Mọi người hay hỏi mình trong lớp Reiki là làm thế nào để phân biệt được đó là vấn đề của họ hay là những tổn thương của mình cũng đang được Reiki làm trồi lên?
‣ Làm thế nào để nhận diện được những vấn đề nào mình cần chữa lành? Làm thế nào để biết khi nào mình đã chữa lành xong?
‣ Làm thế nào để nhận ra khi nào thì mình đã dần dần chữa lành xong một vấn đề hay mình chỉ đang tránh né cố tình lờ nó đi?
‣ Chúng ta cứ nghe nói tới từ ‘shedding', ví như bóc từng lớp củ hành. ‘Shedding' là gột bỏ dần những thứ không còn phù hợp với mình nữa, bao gồm cả những mối quan hệ mà cả hai đã không còn nhiều điểm chung. ‘Shedding' đó nghe thì dễ nhưng ai đã và đang trải qua sẽ hiểu nó khó tới nhường nào và thậm chí có thể để lại rất nhiều các ‘di chứng'. Và có thể tưởng là mình đang ‘shedding' nhưng hoá ra nó lại càng khiến mình rơi sâu hơn vào cái xoáy của những lời tự vấn! Có những mối quan hệ mà cả hai làm tổn thương lẫn nhau, một mặt chúng ta hiểu rằng mình cần phải rời khỏi mối quan hệ đó đi, nhưng mặt khác chúng ta lại tự trách bản thân ‘Mình có đang chạy trốn vấn đề không? Mình có ích kỉ, có điên rồ, có vô trách nhiệm khi bỏ đi thế này không?’.
‣ Làm thế nào để biết khi nào mình đang xù lông, làm quá lên một vấn đề (overreacting) hay là mình đang bảo vệ ranh giới của bản thân, không để người khác coi mình như tấm thảm chùi chân?
Tất cả những câu trên không dễ để trả lời một cách rạch ròi theo kiểu logic, có công thức chuẩn một chút nào. Về lí thuyết đúng là chúng ta biết rằng cứ mỗi khi có cảm giác lao xao bị khởi lên trong lòng thì chúng ta cần ngồi xuống, đào sâu, tự hỏi bản thân xem tại sao lại có cảm giác đó, nó đến từ đâu, chuyện gì đã xảy ra, ai là người khiến mình có cảm giác đấy, v..v.
Lí thuyết thì là vậy, nhưng không phải lúc nào nó cũng nên và cần được áp dụng rập khuôn như thế. Một thứ khiến mình cảm thấy hơi lăn tăn trong lí thuyết này đó là đôi khi nó lại khiến chúng ta quay ngược lại tự trách mình, lại phủ nhận những cảm xúc rất chính đáng, lành mạnh cần được thể hiện, cho dù có vẻ xù xì, xấu xí. Nhưng các cảm xúc xấu xí không phải là một điều gì tiêu cực cần được loại bỏ! Đây là một vấn đề về niềm tin bị mặc định ngầm khiến chúng ta cảm giác như khi mình cảm thấy không thoải mái, bực bội, khó chịu về hành động, thái độ của một ai đó đối với mình thì ngay lập tức mình phải ngồi xuống đào sâu xem tại sao mình lại có cảm xúc đó. Nó có thể khiến chúng ta tự hỏi nữa là, ‘Ủa vậy thì khi người khác đi quá giới hạn chịu đựng của mình và mình thể hiện sự không hài lòng đó, vậy chẳng nhẽ là do mình sai? Chẳng nhẽ mình không nên có cảm giác đó chăng? Chẳng nhẽ họ làm gì đi nữa mình cũng phải cảm thấy không sao hết thì như thế mới là mình đã được chữa lành sao?’
Chính vì niềm tin mặc định hay là công thức chữa lành rập khuôn nó dẫn tới những hoàn cảnh sẽ khiến chúng ta bị hoang mang không biết thứ mình tưởng là mình đang làm đúng nhưng liệu nó có sai? Trái tim thì bảo là chúng ta phải học cách thương mình trước khi thương người khác nhưng sao vẫn có cảm giác day dứt, tội lỗi? Cho đi bao nhiêu mới là đủ?
‣ ‣ ‣ ‣
Đúng là tất cả những người chúng ta tiếp xúc sẽ luôn là tấm gương phản chiếu để giúp mình nhìn lại mình. Điều này cũng có nghĩa là có những thứ mà đối với người này là một vấn đề rất lớn, nhưng với người khác lại không quá quan trọng. Cũng sẽ có những người mà bạn bị họ triggered rất mạnh và ngược lại, cũng có những người mà một thứ gì đó ở bạn là tác nhân làm họ bị ‘xù lông nhím' lên. Cách nói ‘xù lông’ hay phản ứng thái quá, hay là chưa ai nói tới mình thì mình đã tự vận vào người (take it personally), hoặc là bị suy diễn quá xa, v..v là một dấu hiệu để chúng ta nhận ra có thứ gì đó trong mình đang cần được chữa lành. Và nếu để ý hơn một tí bạn cũng sẽ nhận ra các mô-típ rất giống nhau của tất cả những hoàn cảnh này, và đây mới là lúc cần ngồi lại đào sâu hơn xem nó đến từ đâu (ví dụ: có phải cảm giác bị so sánh, cảm giác mình bị thua kém so với người khác, cảm giác bị bỏ rơi, cảm giác không được coi trọng, v..v).
Khi nhận ra mô-típ gốc rễ rồi, bạn sẽ nhận ra ngay khi lần sau nó tới lần nữa. Và bạn cũng sẽ nhận ra một điều nữa đó là: những người là tác nhân khiến mình bị trồi lên các mô-típ ấy, họ chỉ là tấm gương để dội lại chúng giúp bạn thôi. Khi gọi tên được mô-típ cần chữa lành, và nhận ra mỗi khi nó trồi lên lại, ngồi lại với nó, bước tiếp theo là chuyển hoá (transmute) nó bằng cách mang vào các đặc tính trái ngược để bù đắp/cân bằng cho mô-típ ấy. Sau một thời gian bạn sẽ thấy là những lần tới khi mô-típ đó quay trở lại, cảm xúc của chúng ta sẽ bớt lăn tăn, lợn cợn dần. Nó sẽ bớt dần cảm giác như bị ai ‘cầm dao cứa vào vết thương', và rồi tới một ngày có thể cũng là người đó, cũng nói những câu như trước kia nhưng nó không còn gây ra tác động lên chúng ta như trước nữa. Đây là lúc chúng ta hiểu mình đã dần chữa lành được vấn đề.
Chỉ có chính bạn mới cảm nhận được sự khác nhau một cách rất vi tế giữa việc một chuyện gì đó, một ai đó làm mình bị triggered và việc mình bị khó chịu bực mình vì ai đó đi quá giới hạn chịu đựng của mình hay coi mình như tấm thảm chùi chân (take it for granted). Một đằng là mô-típ cảm xúc bị khởi lên đến từ một tầng rất sâu, mình hay ví nó như là một căn phòng bị cài then chốt thật chặt để không ai có thể nhìn thấy nó, phần mà nếu để lộ ra sẽ khiến chúng ta cảm giác bị phơi bày. Còn ở phía kia là một thứ mình không thấy hài lòng và cố gắng trung thực bày tỏ thể hiện cảm xúc đó ra. Rất nhiều người bị tắc nghẽn ở luân xa cổ họng cũng là do có nhiều thứ đáng lẽ cần được thể hiện, bày tỏ thì lại bị ‘nuốt lại vào bên trong'.
Tuy vậy, có những thứ không đáng phải bận tâm quá nhiều, không đáng để ôm mãi cái bực tức trong lòng nên bực mình ngay lúc đó xong rồi cho qua, nó khác với việc mình đang tránh né đối diện với vấn đề. Bạn sẽ biết khi nào mình thật sự tránh né hay lờ vấn đề đi, vì khi mô-típ cốt lõi vẫn còn đó thì không bằng cách này hay cách khác, không đến từ người này hay người khác, chúng ta vẫn sẽ bị triggered lại cho tới khi chúng ta gỡ được cái nhân đi.
Từ ‘chữa lành' đang là một từ hot nhất bây giờ, cái gì cũng có thể gắn thêm hai chữ chữa lành vào. Nhưng nhiều khi chúng ta cũng hay quên là chữa lành phải đi kèm với cả sự tự chủ: chữa lành là yêu bản thân nhưng thiết lập giới hạn, học cách nói ‘Không' cũng là yêu bản thân; tôn trọng giới hạn của mình cũng là yêu bản thân; dành thời gian ngồi lại với chính mình cũng là yêu bản thân. Khi chúng ta càng hiểu bản thân bao nhiêu, khi chúng ta càng trung thực với chính mình để nhận ra các mô-típ, vòng lặp khiến mình bị tổn thương thì sẽ càng dễ phân biệt thứ gì đến từ mình và thứ gì đến từ người kia. Một điều nữa đó là, tất cả những mô-típ dù là đã chữa lành được hay bạn vẫn đang phải làm việc với nó thì chúng sẽ đều để lại những dấu ấn như là những ngôn ngữ mà khi bạn bắt gặp cùng mô-típ ngôn ngữ đó ở người khác, bạn sẽ dễ gọi tên cảm xúc hay tổn thương đó ở người kia. Cũng chính vì lẽ này mà người ta hay nói những người đi qua rất nhiều thăng trầm, sau khi họ chuyển hoá được nỗi đau thành tình thương và tuệ giác (wisdom) thì ở họ sẽ toả ra một năng lượng chữa lành mà không cần họ phải nói gì thì năng lượng đó cũng như là nguồn nước mát tưới tắm tâm hồn của người ở cạnh... 🍀
Phương <3
www.phuongngo.co