Con đường làm nghề (phần 3) - empath và chủ nghĩa ái kỷ (narcissism) trong tâm linh

✨ Con đường làm nghề (phần 3) - empath và chủ nghĩa ái kỷ (narcissism) trong tâm linh

1.
Mình đã định viết bài này khá lâu rồi nhưng cứ viết rồi lại xóa, viết lại xóa vì có nhiều khái niệm càng đi sâu lại càng thấy rối và khó phân định rạch ròi, mình cũng không muốn dán nhãn hay khái quát hóa khiến người đọc bị hiểu nhầm. Viết về chủ nghĩa ái kỷ lại càng khó hơn vì thường khi nghe chúng ta chỉ hiểu đó là những người yêu bản thân một cách thái quá, nhưng thực tế có rất nhiều sắc thái đan xen, bản thân chủ nghĩa ái kỷ cũng là một phổ mà ở cấp độ nhẹ sẽ rất khó phân biệt giữa một người có cái tôi cao, thích kiểm soát hay là chớm của ái kỷ.

Mình bị struggle một thời gian dài giữa việc định hình giới hạn của bản thân: thế nào là yêu bản thân một cách lành mạnh, thế nào là học cách thương mình trước thì mới thương được người khác mà nếu không cẩn thận thì sẽ bị lệch sang phía bên kia là sự ái kỷ, vị kỉ? Đâu là quan tâm, thương yêu người khác đủ mức, đặc biệt khi mình cần trung thực với cảm xúc, suy nghĩ của bản thân lẫn thể hiện nó cho người kia hiểu và cố gắng để họ không cảm thấy bị tổn thương, tự ái mà không bị hiểu nhầm là mình đang thao túng tâm lý họ? Làm thế nào để giữ giá trị bản thân (self-worth) để không thỏa hiệp khi người khác cứ cố tình vượt quá ranh giới của mình? Trung thực mà nói tới bây giờ vẫn có những lúc mình struggle với những điều trên, chỉ khác là qua nhiều lần đau thương vấp ngã, qua nhiều lần mà tất cả những gì mình đã tâm huyết xây dựng bị vỡ vụn, thì mình mới dần dần định hình được điểm cân bằng cho mình. Cân bằng nhưng không có nghĩa là đặc cứng lại, vẫn có những thời điểm mình bị ‘rung lắc', nhưng đó cũng là những khoảng lặng trong nghề cần phải đi qua để giữ cho hai chân mình trên mặt đất.

2.
Về mặt tâm linh/năng lượng, những người thấu cảm (empath) hay được hút vào trong những mối quan hệ với người ái kỷ (narcissistic), vì một bên thì muốn cho đi, muốn làm fixer, một bên thì không có vấn đề gì trong việc đón nhận nhưng lại khó khăn trong việc nhận ra cảm xúc và nhu cầu của người khác. Ở trong những mối quan hệ như vậy, empath rất thường xuyên tự vấn bản thân ‘Là do mình làm chưa đủ tốt hay cho đi chưa đủ nhiều? Hay họ cần thêm thời gian để thay đổi?’, và giá trị bản thân lẫn sự tự tin liên tục bị xát muối để cố gắng làm hài lòng người kia. Chữa lành sau một mối quan hệ với một người ái kỷ cũng cần rất rất nhiều thời gian và nhiều tình thương với bản thân vì có nhiều bài học mình phải học lại từ đầu, trong đó có cả việc học cách đón nhận tình cảm mà không phải liên tục cho đi thì mới cảm thấy mình xứng đáng nhận lại.

Viết tới đây mình lại vấp phải một câu hỏi nữa về chuyện dán nhãn. Mình đã từng đứng ở cả hai vị trí: cũng đã ở trong những mối quan hệ khiến mình ngạt thở và luôn cảm thấy bản thân thật tệ; nhưng cũng có những mối quan hệ mà bị hiểu lầm là mình đang thao túng tâm lý người kia do là họ quá nhạy cảm và nhiều tổn thương nên trở thành tự kỷ ám thị, bất kể chuyện gì dù nhỏ đến mấy cũng đều khiến họ cảm giác như mình đang chỉ trích họ. Vì vậy bảo ai đó là empath hay là người ái kỷ cũng cần phải đặt trong hoàn cảnh cụ thể, trong một mối quan hệ cụ thể vì cũng không phải vô cớ mà người này lại trigger người kia tới vậy.

Mình viết nhiều về self-love, self-worth vì đa số những người bén duyên với tâm linh đều là những empath, và mô thức chung đều mang nhiều tổn thương về giá trị, sự tự tin, chấp nhận bản thân. Người ái kỷ lại mang rất nhiều sang chấn về tình thương, về việc mở lòng, về sự an toàn khi thể hiện sự yếu đuối (vulnerability) và những cảm xúc của mình khiến họ đóng băng lại con người thật của mình và dựng hàng rào phòng thủ. Tuy vậy, chỉ có người ái kỷ lại hay bị mang tiếng xấu còn empath hay được coi như là một món quà. Thật ra nó chỉ là món quà khi chúng ta ý thức và biết cách kiểm soát sự nhạy cảm của mình, còn quá nhạy cảm cộng với quá nhiều tổn thương chưa được chữa lành thì lại khiến mình trở nên giòn và dễ vỡ. Ở cạnh những người này cũng mệt như ở cạnh những người ái kỷ vậy vì cả hai đều loay hoay trong việc handle cảm xúc của mình. Đây có lẽ cũng là lí do mà empath được ráp lại với những người ái kỷ, cả hai đều là bài học cho nhau: một người học cách giữ giới hạn còn người kia học cách mở lòng.

3.
Tâm linh là một lĩnh vực mà không có một cái ‘Job Description' nào cụ thể cho nghề như những công việc khác. Nói là cần phải nhạy cảm - nhưng nhạy cảm tới mức nào? Cần một trái tim mở, nhưng cũng lại cần một cái đầu tỉnh táo. Cần một sự khiêm tốn để nhận thức được khi nào ngã mạn đang trồi lên, nhưng cũng cần một sự tự tin để biết mình có thể trao đi giá trị gì. Đây có lẽ là lí do mà những trường đào tạo giáo lý bí truyền ngày xưa (mystery school) chỉ nhận học trò sau 25 tuổi để họ có đủ sự va vấp, va chạm với cuộc sống thật bên ngoài, rèn luyện thái độ, đạo đức trước khi được dạy về chuyên môn, kĩ năng. Kiến thức, kỹ năng có thể được đào tạo, còn thái độ là kết quả của sự tu dưỡng mà nhiều khi phải qua nhiều kiếp sống mới có thể được ngấm trong bản chất linh hồn.

Nếu là mình của 10 năm trước đây chắc chắn cách mình làm việc sẽ khác, mà có thể ‘tâm linh' mình tiếp cận cũng sẽ khác. Ngày đó còn trẻ, thể diện lớn, cái tôi lớn, có gì không vừa ý là sẵn sàng bỏ đi. Mình nhớ mãi về một chị sếp, nhiều lần đứng giữa văn phòng vài chục người, hét vào mặt mình ‘ARE YOU STUPID?’. Mình nghỉ agency đó sau vài tháng vì lúc đó không chịu được cảm giác bị xúc phạm, nhưng 10 năm sau, tới bây giờ khi dạy học viên, mình lại hiểu tại sao có những người sếp, người giáo viên lại nghiêm khắc, khó tính tới vậy. Càng những người chỉn chu trong công việc, quan tâm tới chất lượng, và vững về thứ họ biết thì lại càng khó tính. Nếu giờ gặp lại chị sếp ấy chắc chắn mình sẽ nhận khi đó mình ‘stupid' thật, điều mà khi đó mình không nhìn ra là cái tâm, tấm lòng ở đằng sau lời nói bề mặt của chị. Nó giống hệt như có những buổi channelling mà nhiều khi khách hàng bảo trước khi vào buổi là ‘Mình biết là có những vấn đề cần nhìn nhận nhưng giờ mình chưa muốn đụng tới nó' thì spirits vẫn cứ chỉ ra hết những thứ rất thẳng, rất trần trụi ấy. Bản thân mình là người truyền đạt lại không kiểm soát được họ sẽ nói gì, và họ cũng không muốn bọc đường chúng ta. Nhưng nếu nghe bằng năng lượng, và cảm được thông điệp, tinh thần spirits gửi gắm thì chúng ta sẽ thấy chứa đựng rất rất nhiều tình thương trong đấy.

----
Bài này có thể mọi người sẽ thấy hơi lan man, cũng không hẳn là mình gửi gắm thông điệp gì cụ thể cả mà có chăng chỉ là một sự trải lòng. Nhiều khái niệm mang sức nặng to lớn lắm mà nếu chúng ta vô ý khoác lên ai đó, họ sẽ tự dán nhãn bản thân cả đời khó mà bật ra được. Nhiều khi nói về tình thương cũng cảm giác như lạc quẻ trong xã hội hiện nay - có lẽ vì hối hả quá mà người ta cũng quên chậm lại một nhịp để nghĩ cho người khác chăng? Đôi khi điều tốt nhất chúng ta cũng chỉ có thể làm là cầu chúc cho mỗi người luôn đủ dũng cảm để mở lòng đón nhận, vì mở trái tim để ai đó bước vào cũng có nghĩa là chúng ta chấp nhận có thể sẽ có lúc họ làm mình đau lòng. Nhưng ngồi lại với nỗi đau rồi lại dũng cảm tiếp tục mở lòng, hay đau đớn để rồi đóng chặt cảm xúc lại - empath hay narcissistic - quyết định nằm trong tay chúng ta.

Cám ơn mọi người đã đọc bài lan man này của mình, một vài tâm sự nhỏ sau vài chuyện gần đây ☺️

Phương ❤️

www.phuongngo.co

Previous
Previous

Phim âm bản & ‘Karma burning’

Next
Next

‘Cá gặp nước' 🌊