‘Nếu con người cắt đứt kết nối với linh hồn thì sẽ thế nào?’

‘Nếu con người cắt đứt kết nối với linh hồn thì sẽ thế nào?’

Gần đây đi đâu cũng thấy mọi người nhắc đến phim Adolescence ha. Mình chưa xem phim này nhưng muốn giới thiệu với mọi người một bộ khác, ít thấy nhắc đến ở nhà nhưng có rating cao lắm lắm, đó là Severance (dịch ra là ‘Tách rời ký ức’).

Xem giải trí thôi thì sẽ không nhận thấy yếu tố tâm linh đâu, nhưng nhìn ở góc độ linh hồn thì chúng ta sẽ thấy hơi rùng mình một tẹo vì nó được hư cấu dựa trên một thực tế ngày càng dễ nhận thấy trong đời sống, đó là sự mất kết nối với thế giới nội tâm.

***

Phim mới chiếu xong mùa 2, vẫn chưa biết diễn biến tiếp theo thế nào nhưng chủ đề của phim xoay quanh giả thiết rằng:

▪︎Nếu một người hoàn toàn không nhớ về những gì anh ta đã làm trong 8 tiếng làm việc mỗi ngày thì chuyện gì sẽ xảy ra?

Những người tình nguyện tham gia thử nghiệm sẽ được gắn một con chip điện tử vào não. Con chip là công tắc bật/tắt giữa hai bản thể: con người bên ngoài (gọi là ‘outie’) và một con người ở nơi làm việc (gọi là ‘innie).

9h sáng đến công ty họ sẽ đi qua một chiếc thang máy được thiết kế để kích hoạt con chip điện tử này lên. Bản thể bên trong làm việc văn phòng trong 8 tiếng (chỗ này kịch bản phức tạp hơn nên mình không muốn spoil quá nhiều), đến 5h chiều bước ra khỏi thang máy thì con chip lại kích hoạt bản thể con người ở ngoài. Cứ mỗi khi con chip được kích hoạt vào buổi sáng/tối thì kí ức của hai bản thể chỉ nhớ lại những gì đã diễn ra cho phần bản thể của mình vào ngày hôm trước.

Có nghĩa là toàn bộ những gì xảy ra trong 8 tiếng thì bên ngoài (‘outie’) hoàn toàn không biết, không nhớ. Và những gì xảy ra trong 16 tiếng ở bên ngoài thì phần bên trong (‘innie’) cũng không hề có ý thức.

4 nhân vật chính của phim tham gia vì nhiều lý do khác nhau. Mark, nhân vật chính, tham gia sau khi vợ anh bị tai nạn đột ngột và nỗi đau quá lớn khiến anh muốn có 8 tiếng/ngày để tạm quên cảm giác đau đớn này đi. Người khác, Dylan, thì do không tìm được công việc nào khác ở ngoài, bị cho là ‘loser’, phải gánh trách nhiệm tài chính cho cả gia đình nên đăng ký vì dự án này trả lương cao.

***

Yếu tố tâm linh:

▪︎ 1/ Chuyện gắn con chip vào não như một cú gật đầu nhắm tới con chip mà công ty Neuralink của Elon Musk đã gắn vào một vài người tình nguyện thử nghiệm, với hứa hẹn là ‘giúp những người bị liệt hoặc khuyết tật lấy lại khả năng kiểm soát cơ thể và tương tác với công nghệ, với mục tiêu hỗ trợ giao tiếp và thậm chí có thể khôi phục những khả năng đã mất.’

Trong phim, những người kiểm soát chương trình thử nghiệm này có thể điều khiển con chip, có thể kiểm soát việc bật/tắt con chip mà không theo ý muốn chủ quan của người mang nó. Thực tế cũng sẽ như vậy nếu có bất cứ thứ gì khiến con người trở nên bớt người hơn và giống máy móc hơn, thì cũng sẽ có khả năng chịu tác động của việc bị điều khiển và kiểm soát.


▪︎ 2/ Chỉ riêng việc gọi hai bản thể bên trong là ‘innie’ đã ẩn ý tới phần nội tâm, đứa trẻ bên trong - ‘inner world’, ‘inner child’ rồi. Trong phim, tính cách các bản thể bên trong của mỗi nhân vật cũng ngây thơ, hồn nhiên, nổi loạn như một đứa trẻ vậy.


▪︎ 3/ Nhân vật chính chọn việc tách rời ký ức (severance) vì nỗi đau mất mát quá lớn nên làm tê liệt cảm xúc bằng cách shutdown nội tâm trong 8 tiếng luôn. Mọi người nghe cũng có thấy quen quen không? Trong tâm linh thì nó chính là ‘spiritual bypassing’ - dùng các khái niệm tâm linh để tránh né thực tế.


▪︎ 4/ Khi thế giới bên trong và bên ngoài là hai con người khác nhau không có liên quan, không có ký ức gì về nhau nữa thì kết quả chắc chắn sẽ dẫn tới mâu thuẫn, như trong phim cũng đã đẩy lên cao trào. Bản thể bên ngoài thì coi bản thể bên trong chỉ như một phần của mình - còn bản thể bên trong thì muốn đấu tranh để được công nhận, lắng nghe và nhìn nhận như một cá thể độc lập.

Nó giống tiếng nói của trực giác, linh hồn cứ thúc giục chúng ta từ bên trong ha!

***

Phần 2 đang dừng lại ở việc các innie đấu tranh để khẳng định sự tồn tại, và vì có một sự liên kết đặc biệt giữa Mark, nhân vật chính, với vợ ảnh (đoạn này mình cũng không spoil đâu, để mọi người tự xem nhé). Phần 3 chắc sẽ tập trung vào việc giải quyết mâu thuẫn trong - ngoài thế nào? Nếu tất cả các innie cùng ‘thoát ngục’ ra ngoài thì phần nào sẽ phải ra đi, phần nào sẽ ở lại?

Nói chung là giống hệt motif mâu thuẫn nội tâm giằng xé chọn nghe theo lý trí hay trực giác mà mình cứ viết mãi trên page rồi!

Kịch bản phim rất thông minh, diễn xuất cũng tốt. Mọi người xem thử rồi cho mình nghe cảm nhận nha 🥰

Previous
Previous

Đối thoại với AI: nghịch lý tại sao ai cũng muốn viết sách, nhưng người Việt lại ít đọc sách nhất thế giới?

Next
Next

Sứ mệnh linh hồn: tại sao triết lý IKIGAI khó áp dụng?