Trẻ con ở đâu trong câu chuyện Làng Háo Hức ('chúng ta có đang lặp lại lịch sử của chính mình?')
Trẻ con ở đâu trong câu chuyện Làng Háo Hức ('chúng ta có đang lặp lại lịch sử của chính mình?')
***
Mình không định nói gì về chuyện Làng Háo Hức nhưng mấy hôm toàn thấy mọi người nói về khủng hoảng truyền thông rồi người lớn nói qua nói lại, chờ mãi không thấy ai nói đúng ý mình nên lại phải viết vậy.
Thật sự là mình chưa biết phải đứng trên tư cách nào và chạm tới vấn đề nào trước. Mình có thể nói ở góc độ ‘tâm linh’ và viết về trực giác, về cách cảm nhận con người dưới lớp bề mặt, về việc đi ngược với niềm tin của số đông, về sức mạnh của việc lên tiếng cho sự thật, v.v.
Nhưng suy đi nghĩ lại mình muốn viết trên tâm thế trước hết là của một người mẹ cũng có con trạc tuổi các bé tham gia Làng Háo Hức, và hai là của một người làm việc với rất nhiều inner child của khách hàng. Những người cũng đang loay hoay chữa lành tổn thương nội tâm cho mình: những tổn thương đến từ thời thơ ấu; từ cách chúng ta được dạy dỗ nuôi nấng; từ những lập trình được cài đặt sẵn từ khi còn nhỏ; và những mô thức được mang theo trong dấu ấn linh hồn.
Và nhìn sự việc này mình thấy buồn vì mình đang thấy lịch sử được lặp lại.
Mình thấy phiên bản ngày nhỏ của mình trong chính câu chuyện của các em bé. Những tiếng nói bị mất hút trong những câu chuyện lợi ích của người lớn; những tổn thương tâm lý bị coi nhẹ; ‘chuyện trẻ con bắt nạt, cãi nhau là bình thường’, ‘trẻ con thôi ấy mà’. Mình đọc thấy từ ‘bình thường’ hơi nhiều. Thứ mà đáng lẽ ra phải được phép KHÔNG bình thường, phải được đặt lên trên hết thì lại lọt thỏm trong cơn bão truyền thông.
***
Không biết bao nhiêu lần mình dịch lại lời của spirit guides về những tổn thương inner child không được công nhận, không được nhìn thấy, không được lắng nghe. Ngày bé chúng ta đã ước người lớn thật sự dừng lại, nhìn vào mắt mình, nghe mình kể hết câu chuyện, và hiểu rằng việc đó tuy chẳng là gì với bố mẹ nhưng lại rất quan trọng đối với một đứa trẻ con. Người lớn không cố gắng tìm cách fix mình. Không khỏa lấp. Không coi nhẹ. Không gạt đi. Không bảo ‘chuyện có thế thôi mà cũng…’
Vậy mà chúng ta đang làm gì?
Chúng ta đang chạy trốn.
Các tổn thương bên trong mình còn chưa lành hẳn vậy mà chúng ta đã lại phải mang thêm trách nhiệm nuôi dạy một (vài) đứa bé nên người. Bao nhiêu áp lực, kỳ vọng cả trong lẫn ngoài được áp xuống, và nó tạo ra một tâm lý mà chắc chỉ những ai làm cha mẹ mới hiểu thấu nhưng lại chẳng dám nói với ai vì nói ra chẳng khác nào tự nhận mình đã thất bại trong chính vai trò bản năng nhất.
Đấy là cảm giác có lỗi (guilt).
Mình không nói điều này với thái độ của một người đứng ngoài đâu mà là tâm sự của một người cũng làm mẹ, cũng vật lộn với việc sắp xếp mọi thứ cho ‘chu toàn’: thời gian cho công việc, thời gian cho con, trách nhiệm với gia đình, với xã hội. ‘Người ta làm được chẳng nhẽ mình không làm được?’.
Càng chữa lành chúng ta lại càng muốn thay đổi vòng lặp. Chúng ta muốn dạy con khác cách cha mẹ mình dạy mình. Chúng ta muốn cho con mọi điều kiện tốt nhất. Chúng ta không muốn con phải mang những tổn thương mà mình đã mang theo.
Mình nhận ra vấn đề không chỉ là thời gian hay cách quán xuyến cuộc sống, mà là áp lực, kỳ vọng mình tự áp lên mình, chính cái đó mới làm mình mệt.
Nói chính xác thì mình phải làm việc với cái ‘Guilt’ của mình trước.
Mình làm sao nói với con về yêu bản thân, chấp nhận bản thân, trong khi thứ mình đang làm lại là chạy trốn khỏi cảm giác có lỗi? Mình sợ con chán vì sâu bên trong mình sợ bị cho là một người mẹ không tốt. Chỉ vì mình có suy nghĩ rằng mình sẽ thất bại nếu không thể đảm đương được hết tất cả mọi việc như-người-ta.
Mình có để con được sống như con vốn là không, hay mình nhìn con như một bài tập để mình được thấy là mình đã làm tròn vai? Để mình bớt guilty hơn, và đâu đó bớt giận hờn hơn về những gì mình đã không được nhận khi còn nhỏ?
***
Cái con cần cũng là thứ mình/phiên bản ngày nhỏ của mình cần, đấy là được chấp nhận như đúng bản chất của mình. Được lắng nghe mà không phán xét. Được biết rằng mình có giá trị, và được an toàn ở lại trong niềm tin rằng bố mẹ yêu mình.
Làm cha mẹ không thôi đã đủ áp lực rồi nên chúng ta hãy bỏ xuống cảm giác có lỗi, đừng áp lên mình các kỳ vọng vô lý là phải làm được giống người khác. Mỗi người đều có 24h như nhau, cái gì cũng phải đánh đổi hết, chọn cái này thì phải bỏ cái kia (còn không thì phải có rất nhiều trợ giúp ).
Mình hay nói về việc chúng ta đừng tự khắt khe với bản thân quá, để cho đứa bé bên trong được chơi, được vui. Khi chúng ta là cha mẹ có thể tự an yên với chính mình thì con cái khi ở trong bầu năng lượng đấy ngồi yên thôi cũng thấy vui. Và thực tế đúng là các parenting experts luôn nói rằng để con được chán là một kỹ năng cần thiết để con học cách self-soothe và self-regulate.
Chúng ta thả lỏng để nuôi dưỡng đứa bé bên trong thế nào thì sẽ thả lỏng được khi ở cạnh con. Chúng ta có thể tạo ra sự thay đổi liên thế hệ, bắt đầu từ việc ở lại với mình trước đã.
You are safe. We are safe.
We don’t have to keep running anymore.
Stay.
.
.
Phương