Chữa lành tổn thương đứa trẻ bên trong - ‘mother wounds'
☽☾☽☾
Ở một lần dẫn kênh gần đây, có một đoạn spirit team nói mà sau đó khiến mình phải suy nghĩ thêm và nhận ra một lớp sâu hơn của khái niệm ‘chữa lành tổn thương đứa trẻ bên trong’.
.
Trong buổi đó, spirits khi nói về mối quan hệ của bạn đó với bố mẹ bạn, đặc biệt là với mẹ, họ bảo những tổn thương mà bạn và mẹ bạn mang theo giống như hai hình ảnh được phản chiếu trong gương. Muốn hiểu tận gốc những tổn thương mà bạn đang có, hãy nhìn thật sâu vào những điều mẹ bạn đang chưa thể hoặc chưa nhận ra để tự chữa lành.’
Không phải vô cớ mà ‘inner child' còn được gọi là ‘mother wounds', tổn thương của người mẹ. Mỗi người trước khi sinh ra đều đã lựa chọn rất kĩ gia đình, nơi chốn, thời điểm chúng ta sinh ra - không có ai sinh nhầm nơi nhầm nhà hết! Khi nói về những tổn thương thời thơ ấu, chúng ta vẫn chỉ hay dừng lại ở điểm: ‘Mình đã từng bị bỏ rơi; bị mắng, đánh đòn; bị cô lập ở trường; không được lắng nghe, không được tôn trọng cảm xúc/ý kiến; v..v' và tìm cách thay đổi tư duy bằng việc ‘Hiểu, thông cảm cho bố mẹ; ôm ấp đứa trẻ bên trong; gửi đến nó tình yêu thương vô điều kiện'.
Tất cả những điều trên đều hoàn toàn đúng nhưng mình hi vọng bạn có thể dành thời gian đào sâu hơn một chút. Trong một lần thiền tới, bạn hãy thử đóng vai trò là người quan sát:
• Mẹ bạn đã có một tuổi thơ thế nào từ nhỏ cho tới lúc trưởng thành? Có phải bà cũng đã bị mắng, bị bỏ rơi, bị đối xử bất công, bị phản bội, v..v. Bà có nhiều bạn bè không? Mối quan hệ với bạn bè thế nào? Mối quan hệ với người bạn đời (bố bạn) thế nào? Mối quan hệ với chính bản thân bà thế nào? Cách bà giải quyết những tổn thương đó thông qua việc dạy dỗ, chấp nhận bạn ra sao? - Hãy nhìn thật kĩ và nếu có thể, đi sâu hơn một thế hệ nữa tới bà ngoại của mình.
• Bố bạn có một thời thơ ấu thế nào? Năng lượng tính nữ trong bố có được vun trồng, chấp nhận không? Mỗi người dù là nam hay nữ đều mang sự hoà quyện của cả năng lượng tính nam lẫn tính nữ. Khi sinh ra trong cơ thể một người đàn ông, một trong những bài học khó nhất là làm sao để hài hoà phần năng lượng tính nữ với phần tính nam. Phần tính nữ đó là sự tự do được thể hiện và nói lên cảm xúc của mình, được thể hiện phần bị tổn thương mà không sợ bị phán xét. Chúng ta không chỉ mang theo những tổn thương tính nữ của người mẹ mà còn là đại diện cho phần tính nam của người bố. Ví dụ, hãy xem những cơn giận dữ không kiềm chế được của bố mẹ bạn có phải bắt nguồn từ việc một trong hai phần tính nam/tính nữ này không có điều kiện và môi trường được buông xả ra một cách lành mạnh không?
.
Khi nhìn sâu hơn như vậy, bạn sẽ thấy những tổn thương mình đang mang theo có một phần là do những gì xảy đến với mình khi còn bé, nhưng một phần không nhỏ khác là chúng ta mang thêm một lớp áo nữa đó là tổn thương thế hệ, tổn thương chưa được chữa lành của bố mẹ mình và rồi họ vô thức lặp lại đúng vòng lặp đó.
Đó cũng là tại sao người ta hay nói, ‘Khi chúng ta chữa lành tổn thương cho chính mình thì chúng ta đã chữa lành tổn thương cho cả dòng họ (‘ancestral line’), thể hệ trước và sau mình.’ Đặc biệt với người phụ nữ, chúng ta càng chữa lành được bao nhiêu ‘mother wounds' thì con cái mình sẽ càng nhẹ bớt vì chúng ta sẽ không lặp lại mô thức mình đã được/bị đối xử khi còn nhỏ lên con và do đó con không phải mang thêm lớp áo quá nặng lên mình.
Việc sinh ra trong gia đình chúng ta đã chọn có thể ví như một vòng tròn hai mặt. Một mặt, bản thân mỗi người đã biết mình có những vấn đề/bài học đó chúng ta muốn chữa lành trong cuộc sống này. Nguyên nhân có thể từ các cuộc sống trước mình mang theo, và chúng ta được thả vào một ‘sợi dây' dòng họ mang đúng các năng lượng, bài học đấy để tạo môi trường và tiền đề cho mình khi còn nhỏ để nó giống như là các ‘initiation' (mình nói ở bài trước) - các thử thách - để mình vượt qua. Một mặt khác, những người thân trong gia đình chúng ta hầu hết đều đã có rất nhiều cuộc sống đi cùng nhau và có chung một vài chủ đề mà tất cả cùng muốn ‘heal' trong lần này.
.
Chúng ta chỉ bắt đầu chữa lành được khi có thể chỉ mặt gọi tên được đúng những cảm xúc/tổn thương này. Tất cả mọi phương pháp chữa lành tổn thương đứa trẻ bên trong nếu chỉ dùng nó như là công thức thì rồi sẽ đến lúc lại bị trồi lên vì mình chưa nhìn thấy được phần gốc. Nếu cái nhân giận dữ, oán trách vẫn còn đó thì làm sao có thể bảo thông cảm, bao dung, tha thứ?
Chữa lành là một hành trình kéo dài cả đời nhưng phần thưởng cũng rất xứng đáng. Cũng lại là spirits trong buổi dẫn kênh mình kể ở trên nói, ‘Khi con bắt đầu dần dần tự chữa lành cho chính mình thì ánh sáng và năng lượng đó sẽ được truyền ngược trở lại tới cho cha mẹ mình. Mối quan hệ mẹ - con là một mối quan hệ đặc biệt, một sợi dây khăng khít mà chúng ta không chỉ nhận về (ý là các ‘mother wounds') mà còn có thể trao lại năng lượng chữa lành. Đó mới chính là điều ý nghĩa nhất của mối quan hệ gia đình.’
Phương 💚