Thôi miên

- Thôi miên

Post này trước tiên là để review quyển sách mà hôm bữa mình có đăng lên story là quyển ‘Liệu pháp tâm hồn, chữa lành bằng trị liệu biểu tượng thông qua thôi miên nhân văn', tác giả Patricia d'Angeli. Đợt mình đi hiệu sách thấy có hẳn một gian chuyên sách tâm lý, tâm linh, chữa lành, quyển này đập vào mắt mình vì một là minh họa bìa đẹp, hai là vì có nhắc tới các keyword tâm hồn, chữa lành, tổn thương, đứa trẻ bên trong và sử dụng liệu pháp thôi miên nên mình tò mò mua về đọc thử.

Hai nữa là hôm rồi có bạn hỏi về thôi miên lượng tử nên tiện trong post này coi như là mở rộng thêm bài viết cũ là ‘Channelling khác thôi miên hồi quy thế nào?’ (mình để link trong comment nhé) ☺️

✦✦✦

Nếu chỉ hỏi là đọc xong sách rồi mình có recommend mọi người mua không thì e rằng mình sẽ bảo là không. Phần vì là sách dịch từ tiếng Pháp sang tiếng Việt nên mình hơi struggle để liên kết các khái niệm trong tiếng Việt sang các khái niệm phổ biến hơn trong tiếng Anh, và hầu hết cả quyển được dịch theo nghĩa đen nên đọc tới nhiều đoạn mình hơi bị khựng lại (ví dụ có đoạn hội thoại dịch nguyên câu mà mình đoán là ‘Look at that ‘b*tch' (vốn là từ tiếng lóng thôi) sang thành ‘Nhìn con ‘chó cái' kia đi'; hoặc nhiều cách xưng hô, dùng từ lãng mạn hóa (kiểu ‘chàng/nàng'), hoặc chương cuối là các đoạn lời thoại dẫn nhập mẫu để người đọc tự thôi miên cũng hầu như là chỉ dịch xuôi Pháp - Việt nên ai khó tính chắc khi đọc sẽ thấy hơi không thuận, hơi lấn cấn xíu. Mình biết là dịch sách tâm lý, tâm linh sang tiếng Việt khó lắm vì ngôn ngữ tiếng Việt vốn đã phức tạp, nhiều ngôi xưng hô; mà không chỉ là kĩ năng ngôn ngữ để dịch xuôi thôi mà còn phải hiểu với trải nghiệm đủ với phương pháp để Việt hóa các ví dụ nguyên mẫu nữa. Riêng các khái niệm khi chuyển ngữ mà không có đóng mở ngoặc khái niệm quen thuộc trong tiếng Anh thì người đọc sẽ phải tự làm công việc liên kết để khái quát hóa với các nguồn kiến thức khác. Đó là tại sao mình nói trong bài gần đây là nghiên cứu về tâm linh thì chúng ta nên có một hệ thống để theo, vì mỗi hệ thống sẽ có những cách dùng từ khác nhau nhưng bản chất thì lại là một.

Ví dụ, trong sách nhắc tới Vô thức - đó là ‘Higher-self' mà chúng ta hay nghe nói; hay là Toàn thức, đó là ‘Universal Consciousness' (mình hay dịch là ‘nhận thức chung'); hay là ‘Thành toàn tự ngã' - là ‘Individuality', tính cá nhân, cá thể hóa, (chữ ‘I', hay là ‘Ego', trong bài trước mình viết). Và sách viết về phương pháp thôi miên là ‘thôi miên nhân văn', hay ‘thôi miên trị liệu' (chú thích của người dịch: ‘là phương pháp trị liệu tâm lý chiều sâu thông qua trị liệu ba biểu tượng nổi bật trong tâm thức mỗi người, “ba người bạn”: Đứa trẻ nội tâm, Kẻ chỉ trích nội tâm và Nhà thông thái nội tâm’). Gọi tên tiếng Việt là vậy, nhưng đọc diễn giải thì có thể hiểu khái niệm ‘Đứa trẻ nội tâm' là ‘Inner child', ‘đứa trẻ bên trong'; ‘Kẻ chỉ trích nội tâm' là ‘Ego', ‘cái tôi’, bản ngã; và ‘Nhà thông thái nội tâm' với diễn dịch của tác giả là tượng trưng cho bản ngã lý tưởng của mỗi người, thì đó là ‘Spirit team/higher-self'. Chương cuối của sách giới thiệu quy trình trị liệu gợi ý để người đọc tự chữa lành tính nữ và tính nam nội tâm thông qua các bước trị liệu cũng đi theo quy trình dẫn nhập (để khách hàng thư giãn, thả lỏng cơ thể, mở rộng tâm trí); hình dung tính nam/tính nữ hoàn hảo ở trước mặt mình, hoặc có thể là hình dung đứa trẻ bên trong/tên chỉ trí/nhà thông thái ở trước mặt, trò chuyện, đàm phán với mỗi hình ảnh; và cuối cùng là để hình dung đó tái nhập vào cơ thể, rồi về lại với thực tại.

Sách chỉ dừng lại ở nhiêu đó, nhưng mình vào thêm website của bạn Vân Anh dịch giả và cũng là người đang được đào tạo về phương pháp thôi miên nhân văn mới này thì có một video Vân Anh so sánh kĩ hơn giữa hình thức thôi miên này với thôi miên cổ điển/thôi miên phân ly, một đoạn cuối bạn nhắc tới thôi miên quy hồi tiền kiếp. Vài gạch đầu dòng dưới đây chỉ là một số suy nghĩ nhỏ của mình đứng từ góc độ tiếp cận từ phía linh hồn, tâm linh nhìn sang thôi miên trong việc chữa lành nội tâm thôi ha!

1. Thôi miên cổ điển sẽ đưa chủ thể vào trạng thái thôi miên sâu (trance) và đa số chủ thể sẽ mất ý thức, khi đó thì vô thức sẽ là người tiếp nhận các ám thị/gợi ý từ người dẫn. Còn thôi miên nhân văn như phương pháp mà tác giả của quyển sách này sáng lập ra thì nói rằng chủ thể vẫn hoàn toàn làm chủ được ý thức của mình, và sẽ vẫn mô tả được thành lời các hình dung, quán tưởng, biểu tượng. Ví dụ họ sẽ có thể mô tả tính nam/tính nữ hoàn hảo trông thế nào và sẽ muốn bổ sung thêm tính chất gì, tính cách nào còn thiếu, đối thoại với từng phần, v..v. Thôi miên nhân văn cũng nói là phù hợp hơn với những người đang có những vấn đề về nội tâm, hiện sinh (kiểu ‘Mình sinh ra ở đây để làm gì?’), về tổn thương đứa trẻ bên trong, khác với thôi miên cổ điển là phù hợp với những người có vấn đề về cơ thể, thói quen, lối sống, v..v. thì ám thị trên vô thức để vô thức tác động đến cơ thể vật lý. Thôi miên nhân văn sẽ không xoáy sâu vào các ký ức tổn thương mà chỉ tập trung vẽ nên một phiên bản hoàn hảo để từ đó tự kỷ ám thị lên thân chủ.

Cấu trúc của phương pháp này rất giống với nhiều phương pháp chữa lành cũng sử dụng các lời khẳng định để thay đổi vòng lặp và niềm tin cố hữu, ví như người đang mất tự tin về ngoại hình thì được bảo là mỗi buổi sáng hãy đứng trước gương và tự nói với mình trong gương là ‘Tôi xinh đẹp'. Có nghĩa là vẫn là một sự chữa lành đi từ ngoài vào trong, thay vì nhìn được sâu hơn một bước nữa là vòng lặp và niềm tin đó đến từ đâu, đang cho mình thấy bài học gì, tại sao mình lại mang những vòng lặp đó. Và để nhìn được sâu hơn tới bước đó thì buộc chúng ta phải đối diện lại một lần nữa, hoặc thậm chí vài lần nữa, với kí ức đã gây ra tổn thương để thấy được rốt cuộc bài học là gì, vòng lặp là gì. Đối diện lại với tổn thương trong nhận thức của chúng ta tại thời điểm hiện tại, với sự sẵn sàng và tỉnh táo của bản thân mình bây giờ sẽ rất rất khác so với nhận thức ở thời điểm khi chuyện đó xảy ra, và đối với mình thì đó mới là cách để chúng ta chữa lành từ tận gốc. Ám thị vẫn có tác dụng, chôn vùi kí ức đi cũng có thể có tác dụng nhất thời, vẽ nên một phiên bản hoàn hảo khác của chính mình cũng là một phương pháp xoa dịu tốt, nhưng giống như là ‘rác nhà ai người đó phải tự dọn' vậy, cho tới cuối cùng thì nếu chúng ta chưa chuyển hóa được bài học thì mình sẽ lại mang nó tới với cuộc đời sau.

Tuy nhiên, đúng là không phải lúc nào cũng dễ dàng nhìn thấy các mô thức tổn thương và bài học vì ai cũng có những điểm mù nhất định, những vùng ‘bị chặn' mà không phải vong linh nào chặn chúng ta đâu mà chỉ là tiềm thức của chúng ta đang tạm thời block lại vì chúng ta chưa sẵn sàng. Giống như chúng ta hay nghe nói là ‘Vũ trụ/spirit guides sẽ không giao bài học gì quá sức mình đâu', cũng có thể hiểu là ‘Nếu chúng ta đang cảm thấy bài học/vấn đề đang quá sức chịu đựng của mình thì không phải mình đang bị trừng phạt đâu mà vì sâu tận sâu ở phần linh hồn, ‘họ' biết là chúng ta đã sẵn sàng và đủ khả năng đương đầu với chúng'.

Vậy nên mình hiểu là nhiều phương pháp như thôi miên phải đi đường vòng, thay vì tấn công trực diện để đào cho ra bài học là gì thì bây giờ đánh lạc hướng nhận thức, cho nó tạo ra một biểu tượng hoặc một bản sao hoàn hảo và để so sánh, reflect trở lại vào bản sao hiện tại.

Nhưng mà cách này có thể work với một số người; một số khác thì có thể chỉ work một giai đoạn ngắn, và một số khác nữa thì khi thoát ra khỏi trạng thái trance để về lại với cuộc sống đời thường, ‘ảo ảnh' hoàn hảo được tạo ra cũng vỡ luôn vì ý thức quá tỉnh, hay như là ‘Những ngày đẹp trời thì mình tin là mình xinh đẹp hấp dẫn, nhưng khi gặp trigger sâu hơn thì vòng lặp (pattern) cũ, niềm tin cố hữu lại trồi lên và viết đè lên (overwrite) các ám thị vừa mới được tạo ra'.

2. Tuy nhiên, những phương pháp chữa lành dịu dàng cũng phù hợp hơn với những ai cần một sự đồng hành, dắt tay trong giai đoạn đầu. Không phải lúc nào chúng ta cũng đủ khỏe để cứ ngồi tự quán chiếu, tự thiền, tự viết nhật ký được, kể cả có kết nối với spirit guides thì mỗi người cũng lại phải tự ngẫm, tự hiểu, tự vỡ ra các thông điệp được gửi tới, mà cái đó thì cần thời gian và độ ‘khỏe' nhất định. Cho nên có những phương pháp thực hành ban đầu để chúng ta quen hơn với các khái niệm như chữa lành là gì, đứa trẻ bên trong là gì, nhìn thấy sơ sơ các mô thức, vòng lặp của mình, rồi vào trạng thái thiền là như thế nào, trạng thái trance, mở rộng nhận thức thế nào, v…v, đây là những bước chuẩn bị cần thiết. Rồi sau khi đã hiểu bản thân kha khá rồi, đã phát triển cái mình hay gọi là ‘Sense of self' rồi, thì tới lúc đó việc kết nối sâu hơn với linh hồn, spirit team sẽ giúp chúng ta nhìn thấy một lớp bản thể nữa sâu hơn.

3. Trong video Vân Anh có nhắc tới một chút xíu về thôi miên hồi quy tiền kiếp, bạn ấy nói là ‘Phải cẩn thận với việc chọn người làm thôi miên' bởi vì những ám thị được gửi tới có thể ‘cài cắm' các kí ức sai. Mình đồng ý ở chỗ là chạm tới tâm linh thì đã có sự tương tác về năng lượng rồi nên chúng ta phải lưu ý trong việc chọn người đồng hành, nhất là trong trạng thái thôi miên/trance thì do nhận thức (consciousness) sẽ được mở rộng nên từ ngữ không chỉ là mỗi từ ngữ nữa mà là tất cả đều là những rung động (đó là tại sao khi đọc sách tới đoạn dịch từ ‘b*tch' mình bị khựng lại vì rung động của từ đó trong tiếng Việt nặng lắm), và các rung động này khi chuyển tới vô thức của người đang được thôi miên thì sẽ có thể kích hoạt tất cả các kí ức trong tiềm thức (subconscious mind) mà người đó đã giữ trong thư viện ký ức (soul's memory) của mình. Ngoài ra, niềm tin của người dẫn thôi miên, thậm chí các mô thức dễ làm họ bị triggered cũng có thể ảnh hưởng tác động tới lời dẫn và ngôn từ họ sử dụng, và do đó việc họ giữ những lời ám thị trung tính hay mang tính gợi ý để điều hướng kí ức của thân chủ cũng là một yếu tố quan trọng nữa.

Ở điểm này mọi người nghe thêm podcast số 8 mình làm với bạn Vân, là chuyên viên tham vấn trị liệu tâm lý, để nghe thêm các chia sẻ từ góc độ của người làm nghề nhé.

✦✦✦

Tóm lại thì mình rất appreciate là càng ngày những phương pháp mới trong việc chữa lành tổn thương ngày càng được giới thiệu rộng rãi để chúng ta bắt đầu để tâm hơn đến việc quay vào bên trong. Dù đúng dù sai chúng ta đều phải bắt đầu ở một điểm nào đó. Nhiều khi chúng ta cứ cẩn thận kỹ lưỡng quá, cân lên đặt xuống xem nên làm cái này hay cái kia, xem cái gì, đọc sách gì, học cái gì, mà mãi vẫn chưa đi được những bước đầu tiên. Nếu thấy bản thân loay hoay chưa biết phải bắt đầu từ đâu thì mình khuyên là mọi người cứ đi hiệu sách rồi xem quyển nào đập vào mắt mình nhất, trong quyển đó thì khái niệm nào tự dưng được ‘spark' lên; cứ lần mò như vậy giống như đang được dắt vào hang thỏ vậy, có thể bây giờ mọi người chưa thấy mọi thứ rõ ràng ngay đâu nhưng đó là cách mà spirit team của chúng ta đang dẫn đường mình 😘

Mình cũng viết kha khá về các phương pháp thực hành tâm linh, có một số bài thiền có dẫn trên Spotify, mọi người vào phần ‘Mục lục' trên website để xem thêm nhé.

Về channeling, spirit guides là ai, v..v. mọi người xem trong phần ‘Các câu hỏi thường gặp' trên đó luôn ha!

Mình sẽ dẫn lại link video của Vân Anh và một vài bài viết cũ trong comment. Cám ơn mọi người đã đọc bài! 🌻

Phương

Previous
Previous

‘Chạy trời không khỏi nắng'

Next
Next

Tâm sự chiều 30 Tết